Home Thông Tin Du Lịch Quảng Bình Văn hóa và Lễ hội ở Quảng Bình Hò khoan Lệ Thủy – Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia

Hò khoan Lệ Thủy – Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia

Quảng Bình được biết đến là một vùng đất có lịch sử lâu đời, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa tinh thần độc đáo; là nơi có sự giao thoa, tiếp biến của các trung tâm văn hóa lớn của dân tộc. Nói đến văn hóa Quảng Bình, không thể không nhắc đến hò khoan Lệ Thủy, điệu hò khoan mộc mạc, sâu lắng, lay động lòng người. Hò Khoan Lệ Thủy có lối hát dung dị và gần gũi, làn điệu dân ca này là món ăn tinh thần bao đời nay của người dân quê hương đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với những giá trị văn hóa dân gian đặc sắc đó, hò khoan Lệ Thủy đã chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Hò khoan Lệ Thủy được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Hò khoan Lệ Thủy  là loại hình diễn xướng dân gian, nên bất cứ ở đâu có làm việc tập thể, ở đó có hò khoan. Người ta hát như để vơi đi sự nhọc nhằn trong lao động, để giao duyên, truyền dạy kinh nghiệm sản xuất, lối sống cho con trẻ và gửi gắm tình cảm đôi lứa…

Hò khoan Lệ Thủy trải qua bao nhiêu thăng trầm và biến cố nhưng chín mái hò khoan vẫn giữ đúng quy tắc, luật nghiêm ngặt không hề thay đổi. Chín mái hò khoan Lệ Thủy bao gồm Lỉa trâu; Mái nhài (dài ); Mái ruỗi; Mái chè; Mái nện; Mái ba; Mái xắp; Mái hò khơi và Mái hò Nậu xăm.

Hò khoan sử dụng lối hát mộc mạc, dung dị, mà cũng rất gần gũi, trìu mến, lối đối đáp tưởng chừng thô sơ nhưng chứa nhiều hàm ẩn, ý nghĩa và cũng rất nghệ thuật trong cả lời lẫn nhạc. Hò khoan Lệ Thủy củng mang tính nhân đạo, tính chiến đấu, tính nhân văn và sự bình đẳng trong xã hội không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, chủ tớ, tuổi tác, nghề nghiệp, quê quán… Nghèo mà hò hơn giàu, tớ mà hò hơn chủ càng được tôn trọng.

Hò khoan Lệ Thủy  là loại hình diễn xướng dân gian, nên bất cứ ở đâu có làm việc tập thể, ở đó có hò khoan.

Nét độc đáo hò khoan Lệ Thủy là một mình hò cũng được, 2 người càng hay, càng đông càng tốt. Khi chỉ một mình thì vừa hò cái, vừa hò con. Hai người trở lên thì một người hò cái, nhiều người hò con thể hiện đủ mọi đề tài như: Hò thi nhau, hò trêu tức, hò đố. Hò cái trục trặc, hò con thay hò cái ngay. Hò nối hơi, nối sức, nối trí uyển chuyển linh hoạt.

Hò khoan Lệ Thủy là một loại hình sáng tác, vừa biểu diễn sáng tác khớp vào thời gian nhịp điệu, nó không có luật rõ nhưng với điều kiện phải đúng nhịp để ràng buộc. Trong cuộc hò khoan từ 2 người trở lên, ai cũng làm diễn viên, ai cũng khán giả. Giá trị của hò khoan Lệ Thủy đối với Quảng Bình cũng như Huế có hò mái nhì nổi tiếng, miền Nam có hò Đồng Tháp, Bắc Bộ có hò sông Mã…

Hò “Cấy lúa” gắn liền với đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân Lệ Thủy.

Quảng Bình vùng đất “địa linh nhân kiệt” tạo cho hò khoan Lệ Thủy cả bề sâu và chiều rộng, đa dạng về nhạc điệu, phong phú về ngôn từ. Hò khoan Lệ Thủy trải rộng từ ngàn xanh đến sông sâu, từ đồng bằng ra biển lớn. Trên núi, có sự vang vọng, vút cao đầy uy lực mà tình cảm của điệu hò “lỉa trâu”. Dưới biển, có sự dẻo dai, kiên trì nhưng vững chãi của mái “hò khơi”; sự rộn ràng, phấn chấn của mái “hò nậu xăm”. Vùng đồng bằng chiêm trũng thì có sự sinh động, ân tình nghĩa nặng của sáu mái hò với thể biến hóa linh hoạt, phóng khoáng của người hát.

Các nghệ nhân trình diễn hò khoan Lệ Thủy trên sâu khấu

Hò khoan Lệ Thủy ra đời trong môi trường lao động sản xuất nhưng trong từng giai đoạn lịch sử, môi trường diễn xướng có sự thay đổi phù hợp với thực trạng phát triển kinh tế – xã hội. Trước đây, hò khoan diễn xướng trong môi trường “lỉa gỗ” của thợ sơn tràng, chèo đò, đi cấy, giã gạo, quết vôi, nện đất, cất nhà, hò tiễn đưa người quá cố… và “hò khơi”, “hò nậu xăm” của cư dân miền biển. Ðến những năm kháng chiến, hò khoan hiện hữu trong môi trường mới là tuyên truyền địch vận, lúc tiếp lương cho kháng chiến, nói chung là hò cách mạng.

Trong công cuộc xây dựng quê hương đất nước, môi trường diễn xướng của hò khoan Lệ Thủy được sân khấu hóa phục vụ đắc lực công tác tuyên truyền việc xây dựng nông thôn mới, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội, phê phán thói hư tật xấu và được đưa vào giảng dạy trong trường học. Hò khoan Lệ Thủy biến hóa linh hoạt trong mọi môi trường, phù hợp với vai trò chuyển tải tâm tư nguyện vọng của người dân. Ðiều đáng nói, dù ở môi trường nào nó vẫn giữ được gốc của mình, đó là các mái hò (tức điệu hò) vẫn nguyên bản và ngày càng được bảo tồn, gìn giữ.

Ngày 8-5-2017, niềm vui và vinh dự lớn đến với nhân dân Lệ Thủy nói riêng, Quảng Bình nói chung, khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định công nhận hò khoan Lệ Thủy là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sự kiện này có ý nghĩa rất lớn trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Hò khoan Lệ Thủy được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Từ đây, Quảng Bình có thêm một sản phẩm mới để góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch Quảng Bình. Hò khoan Lệ Thủy được vinh danh là kết quả của quá trình nỗ lực gìn giữ, bảo tồn, phát triển di sản của chính quyền và ngành văn hóa địa phương; trong đó, có sự dày công, tâm huyết của các nghệ nhân luôn cháy hết mình để dòng dân ca dung dị này chảy mãi với đời.

Mời các bạn nghe Hò Khoan Lệ Thủy:

 

0776274999