Khoảng cách từ thành phố Đồng Hới đến Chùa Hoằng Phúc tầm 55 km. Bạn có thể thuê một chiếc xe máy, có điều kiện hơn thì thuê ô tô chiếc 4 chỗ, nếu nhiều người thì thuê xe 7 chỗ Đồng Hới .Chạy theo quốc lộ 1A hướng Nam rồi rẻ theo DT16 đến thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy đi thêm một đoạn nữa là đến Chùa Hoằng Phúc.
Chùa Hoằng Phúc xưa có tên là chùa Kính Thiên, tục danh chùa Trạm, thuộc phường Thuận Trạch, nay là xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Chùa tọa lạc trên một vùng đất cao ráo, rộng gần 10.000m2, ở phía hữu ngạn sông Kiến Giang, cách trung tâm huyện Lệ Thủy 4 km về phía Nam.
Chùa Hoằng Phúc vốn bắt nguồn từ am thờ Phật mang tên Tri Kiến Am. Bởi ngày trước, từ hói Quy Hậu, ngược theo bờ phải sông Kiến Giang về phía đông là địa phận Tri Kiến, huyện Nha Nghi, thời Lý Trần. Am này ở trong địa phận Tri Kiến nên mang tên này. Theo sử cũ chép lại, tháng 3 năm 1301 (Tân Sửu), Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đường viễn du ghé qua chùa Am Tri Kiến, sau đó ngài đổi tên thành Am Kính Thiên. Năm 1609, trên đường đi qua đất Thuận Hóa, chúa Nguyễn Hoàng cũng đã đến nghỉ tại Am Kính Thiên và sau đó không lâu, chúa Nguyễn Hoàng đã cho dựng chùa lớn ngay trên nền am cũ và đặt tên là Kính Thiên.
Tiếp đó, Năm 1716, chúa Nguyễn Phúc Chu ra thăm chùa Kính Thiên, bèn cho cấp tiền tu sửa, ban cho một biển đề tên chùa “Kính Thiên Tự” và một biển đề đại tự: “Vô song phúc địa” (đất phúc khôn sánh) và ngự chế 5 câu đối treo ở chùa. Năm Minh Mạng thứ hai (1821), trong chuyến ngự giá Bắc Tuần, vua Minh Mạng có ghé thăm chùa Kính Thiên và cho đổi tên chùa là “Hoằng Phúc Tự” (Phúc lớn)… Nhân dân địa phương thường gọi là Chùa Quan.
Tính từ khi Phật hoàng Trần Nhân Tông ghé vào Am Tri Kiến đến nay, chùa Hoằng Phúc đã có chiều dài lịch sử trên 700 năm. Nơi đây không những là nơi thờ tự đức Phật, hoằng dương phật pháp mà còn gắn liền với những sự kiện lịch sử của quê hương qua các thời kỳ.
Trải qua bao biến thiên thăng trầm của lịch sử, sự tàn phá của thời gian, của chiến tranh, chùa bị tàn phá nghiêm trọng. Sau đó, ngôi chùa này đã được phục dựng, tôn tạo theo hướng giữ nguyên trạng chùa cũ (lối chùa cổ thời nhà Trần) gồm: Tam quan ngoại, tam quan nội, tháp phật, tam bảo chùa và chính thức khánh hạ vào năm 2016.
Đến nay, Chùa còn lưu giữ lại một số hiện vật như tượng Phật bà Quán thế âm Bồ Tát, Địa tạng Vương Bồ Tát cùng một số pháp khí bằng đồng được đúc rất tinh xảo, đặc biệt, vẫn còn đại hồng chung cao 1,15m, đường kính thân chuông 0,57m, chu vi 1,45m được đúc vào thời vua Minh Mạng và cổng Tam Quan, nền nhà Chính điện.
Với những giá trị về văn hóa, lịch sử, Tháng 12 năm 2015, Chùa Hoằng Phúc đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Chùa Hoằng Phúc không chỉ phục vụ cho nhu cầu tính ngưỡng cho người dân mà còn phục vụ nhu cầu tham quan, lễ phật của du khách thập phương, góp phần phát triển ngành du lịch trong tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của huyện Lệ Thủy và tỉnh Quảng Bình.